Làm thế nào để có cuộc sống hạnh phúc hơn

Cảm nhận về hạnh phúc lúc này không đơn thuần là tự cảm thấy an ổn mà hơn thế, đó chính là niềm hạnh phúc thiêng liêng đến từ việc kết nối với người khác, rộng mở tấm lòng cảm thông, yêu thương chia sẻ vượt qua cái tôi cá nhân nhỏ hẹp.

Xuất phát từ niềm tin sự giàu có sẽ mang lại hạnh phúc, hầu hết mỗi chúng ta đều nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành công vật chất. Các chính trị gia và phương tiện truyền thông đều củng cố thêm niềm tin này, đơn giản vì đó là động lực để phát triển nền kinh tế, mang lại sự thịnh vượng, sung túc cho mọi người . Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy rằng hạnh phúc bền vững bắt nguồn từ những thành tựu kinh tế và sự thịnh vượng vật chất – từ việc kiếm tiền, tích lũy của cải và thành đạt.

Bởi vậy, nhiều người có thể sẽ rất ngạc nhiên hoặc cảm thấy ‘sốc’ khi biết rằng giữa của cải và hạnh phúc không có mối liên hệ rõ ràng. Một khi những nhu cầu vật chất tối thiểu của chúng ta được đáp ứng (có nghĩa là khi chúng ta có đủ cơm ăn, áo mặc, chỗ ở mỗi ngày và được đảm bảo về tài chính ở mức độ cơ bản), vật chất sẽ không còn đóng vai trò đáng kể trong việc đem lại hạnh phúc. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người trúng số độc đắc cũng chẳng trở nên đặc biệt hạnh phúc hơn trước khi họ gặp vận may. Ngay cả những người siêu giàu – như các tỉ phú – cũng không hạnh phúc hơn những thường dân khác. Nhiều công trình khoa học đã chỉ ra rằng ngày nay người dân Mỹ và Anh cảm thấy ít hài lòng và ít vui sống hơn so với 50 năm trước đây, bất chấp thực tế là đời sống vật chất của họ ngày nay phát triển hơn trước rất nhiều. Trên bình diện quốc tế, thịnh vượng và hạnh phúc có mối tương quan nhất định, một phần bởi vì ở nhiều quốc gia trên thế giới, những nhu cầu vật chất tối thiểu của người dân còn chưa được đáp ứng. Nhưng mối liên hệ này không hẳn do là sự thịnh vượng trực tiếp mang lại hạnh phúc mà là do những quốc gia giàu có thường có xu hướng ổn định về chính trị, và có những chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục ở mức độ cao hơn– đó đều là những yếu tố quan trọng của hạnh phúc.

Vậy tại sao chúng ta phải quá nhọc công theo đuổi những thành tựu vật chất làm gì? Điều này giống như một người cứ mãi gõ cửa, ngay cả khi đã được thông báo rằng người mình đang kiếm tìm không có nhà. “Chắc chắn ông ấy ở trong đó!”, anh ta kêu lên và xông vào nhà lùng sục. Rồi anh ta lao ra ngoài, vài phút sau lại quay trở lại và tiếp tục gõ cửa. Theo đuổi hạnh phúc bằng cách mải miết làm giàu cũng phi lý chẳng khác gì hành xử của người đàn ông này.

Hạnh phúc từ việc Cho đi

Có thể nói rằng dường như có một mối liên hệ giữa những yếu tố phi vật chất và hạnh phúc. Trong khi sở hữu của cải vật chất không mang lại hạnh phúc, việc trao tặng những của cải ấy lại thực sự giúp chúng ta đạt được điều này. Tâm rộng rãi, hào phóng có liên hệ chặt chẽ với hạnh phúc an vui. Ví dụ, nhiều nghiên cứu cho thấy những người hay tham gia công tác tình nguyện thường có sức khỏe tinh thần tốt hơn và tuổi thọ cao hơn những người khác. Lợi ích của việc làm thiện nguyện đã được khoa học chứng minh là ưu việt hơn cả lợi ích của tập thể dục, tham dự nghi lễ tôn giáo hay thậm chí là cai nghiện thuốc lá đem lại. Một nghiên cứu khác đã cho thấy, khi được cho một khoản tiền, nếu bạn dùng nó để đem lại lợi ích cho người khác hay trao tặng nó thay vì sử dụng cho nhu cầu của bản thân, bạn sẽ nhận về được nhiều hạnh phúc hơn. Cảm nhận về hạnh phúc lúc này không đơn thuần là tự cảm thấy an ổn mà hơn thế, đó chính là niềm hạnh phúc thiêng liêng đến từ việc kết nối với người khác, rộng mở tấm lòng cảm thông, yêu thương chia sẻ vượt qua cái tôi cá nhân nhỏ hẹp.

Sự thật có vẻ như nghịch lý là, tiền bạc chỉ có thể thực sự mang lại hạnh phúc khi bạn cho đi những gì mà mình kiếm được. Đây là kết quả nghiên cứu do Dunn, Gilbert và Wilson thực hiện. Nghiên cứu của họ cũng chỉ ra rằng tiền bạc có thể mang lại hạnh phúc khi được chi dùng vào những trải nghiệm hơn là để mua về những của cải vật chất thông thường. Một nghiên cứu khác của Joseph Chancellor và Sonja Lyubomirsky cho thấy một lối sống giản đơn, giảm thiểu chi tiêu một cách có chủ đích cũng có thể mang lại hạnh phúc.
Vì vậy nếu bạn muốn hạnh phúc hơn nữa – chừng nào những nhu cầu vật chất tối thiểu được đáp ứng – thì đừng cố ra sức tích lũy tiền bạc, cũng đừng tậu về cho mình những thứ của cải bạn không thực sự cần đến. Hãy hào phóng và rộng lượng –biết trao tặng và dành nhiều thời gian hơn cho việc thiện nguyện, chăm lo giúp đỡ và đối xử tử tế hơn với tất cả những người xung quanh mình. Hãy quên đi thông điệp “hạnh phúc là hưởng thụ” mà các phương tiện truyền thông vẫn không ngừng “nhồi sọ” chúng ta. Một lối sống rộng lượng và giản đơn có thể không làm vừa lòng các nhà kinh tế và chính trị – nhưng chắc chắn sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn.

Hãy lắng nghe những chia sẻ của Ohiyesa, một người Mỹ da đỏ, nói về người Sioux:
“Chúng tôi tin rằng việc ham thích sở hữu là một điểm yếu cần vượt qua của con người. Vật chất có sức cuốn hút, và nếu ta để nó lôi kéo, sớm hay muộn, nó cũng sẽ làm rối loạn sự cân bằng trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, trẻ em cần sớm được dạy về vẻ đẹp của tâm sẻ chia, hào phóng. Khi biết trao tặng những gì giá trị nhất đối với mình, trẻ thơ sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc sâu sắc của việc cho đi” .

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *